Trầm Hương Trong Sử Liệu Việt Nam
Ngày đăng: 10:45 AM 30/03/2024 - Lượt xem: 298
Hàng ngàn năm nay, Trầm hương được coi là “vua của các loại gỗ và mùi hương”. Trong suốt chiều dài lịch sử, Trầm hương luôn được chọn để xông đốt trong cung điện vua chúa, tại các nghi lễ thiêng liêng ở nhiều quốc gia. Trầm là “danh hương” trong các nghi lễ tôn giáo.
Trầm hương kết tinh trong cây dó bầu trồng nơi rừng sâu núi thẳm ở nhiều vùng miền trên đất nước, nhưng Khánh Hòa là nơi cho lượng trầm nhiều và chất lượng tốt nhất. Vùng đất này được mệnh danh là xứ Trầm hương.
Trong Phủ biên tạp lục (viết năm 1776), nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) khẳng định: “Dó có ba loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành Trầm hương, dó bầu thì thành Kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy. Họ Nguyễn trước đặt đội Am Sơn, hằng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 thì trở về, số được nhiều ít không nhất định, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”.
Muốn phân biệt Trầm hương với Kỳ nam thì lấy hình chất khí vị mà phân biệt. Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng; Kỳ nam thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt Trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan, đốt Kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài. Trầm hương chỉ có thể giáng khí. Kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong đàm suyễn, cấm khẩu mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi. Lại có thể trừ được tà khí, uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng".
Kiêng nhất là bọc Trầm hương, Kỳ nam vào giấy, nên chứa vào đồ sứ hay đồ thiếc, rồi lấy bẹ chuối bọc kín, phơi giữa chỗ mặt trời, đến chiều lấy ra thì nước dầu tiết ra. Mà cũng không nên phơi luôn. Đó đều là lời văn chúc hiến chương Nam của nhà Nguyễn để lại.
Sách Thiên Nam dư hạ tập chép từ 2 nguồn Trà Linh, Ô Kim thuộc huyện Bồng Sơn, thôn Nha Ca, nguồn Cầu Bong thuộc huyện Phù Ly và huyện Tuy Viễn hàng năm đều cống Kỳ nam hương, tức là thứ Trầm hương ấy (Tuy Viễn là huyện Bình Khê xưa).
"Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai”. Địa danh Bình Khang và Diên Khánh thời xưa sau này thuộc tỉnh Khánh Hoà.
Về việc hình thành 2 phủ này, lịch sử có chép: Po Nraop hay Bà Tấm là vua của tiểu quốc Panduranga (Chiêm Thành) từ năm 1651. Năm 1653, Bà Tấm xâm lấn Phú Yên. Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền) sai cai cơ Hùng Lộc làm Thống binh, xá sai Minh Vũ làm tham mưu, đem 3.000 quân đi đánh. Bà Tấm trốn chạy, phải dâng thư xin hàng. Nhà Nguyễn chiếm lấy đất từ vùng phía Đông sông Dinh (hay sông Cái Phan Rang) đến địa đầu Phú Yên (vùng Kauthara) chia làm 2 phủ: Thái Khang và Diên Ninh. Còn phần phía Tây sông này (vùng Panduranga) là thuộc về Chiêm Thành (tên gọi cũ của Chăm Pa).
Năm Canh Ngọ thứ 3 (1690) đời Anh Tông, đổi phủ Thái Khang làm phủ Bình Khang. Năm Nhâm Tuất thứ 4 (1742) đời Thế Tông, đổi phủ Diên Ninh làm phủ Diên Khánh. Phủ Bình Khang khi đó gồm 2 huyện là Quảng Phúc và Tân Định; còn phủ Diên Khánh thì có 3 huyện là Phúc Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Tỉnh Khánh Hoà được đặt năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) nhưng chỉ đến năm Thành Thái thứ 13 (1901) mới có địa giới tương đương 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh trước đó, tức gồm 2 phủ là Diên Khánh (tên không đổi) với 2 huyện Phúc Điền, Vĩnh Xương và phủ Ninh Hoà (Bình Khang xưa) với 2 huyện Quảng Phúc và Tân Định.
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có nêu: “Vùng núi các huyện đều có Kỳ nam, Trầm hương. Dân xã An Thành, huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp; năm nào không có Kỳ nam phải nạp thay bằng Trầm hương”.
Không chỉ được ghi nhận một cách trang trọng trong sử liệu, các vua nhà Nguyễn còn cho khắc hình tượng Trầm hương trên Cao Đỉnh ("Cao" là miếu hiệu của vua Gia Long) được đúc từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837 thì hoàn thành. Kỳ nam được khắc trên Nhân Đỉnh ("Nhân" là miếu hiệu của vua Minh Mạng) với dòng ghi chú: Cây ở vùng rừng Khánh Hoà, ruột lõi rất thơm. Cao đỉnh và Nhân đỉnh được đặt tại sân Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.
Trong cuốn Trầm hương của KS Nguyễn Hiền, PTS Sinh học Võ Văn Chi có viết: Trầm hương không phải ở một nơi. Chân Lạp là tốt nhất, Chiêm Thành là thứ nhì, Bốt Nê là kém nhất. Lấy Trầm hương Chân Lạp mà kể thì có 3 hạng: Lục Dương là tốt nhất, Tam Lạc là thứ nhì, Bột La Cương là kém nhất. Hương thì đại khái sinh kết là tốt nhất, thục thoát là thứ hai. Sắc thì đen rắn là tốt nhất, sắc vàng là thứ hai. Có thứ hình trông như sừng tê, có thứ như miệng én, có thứ như phụ tử, có thứ như cái thoi. Nay hỏi những người đi hái Trầm hương ở Thuận Hóa và Nghệ An mới biết thuyết cũ là không đúng hoàn toàn.
Sách Bản thảo bí yếu nói rằng: Trầm hương cay đắng tính ôn; các gỗ đều nổi, chỉ Trầm hương là chìm. Cho nên hay hạ khí mà sa đờm rải, hay giáng khí mà cũng hay thăng khí, hướng vào tỳ cho nên hay trị được các khí mà điều hòa. Sắc đen thể thơm, cho nên vào mạch môn hữu thận, ấm tinh, tráng dương, hành khí chứ không thượng khí, ôn trung không trợ hỏa, trị lỏng bụng nhói đau, cấm khẩu, độc lý, uất kết, tà khí, sợ gió lạnh, bệnh tê, bệnh lỵ. Sắc đen mà chìm xuống nước là tốt, thơm ngọt thì tính bình, cay thì nóng.
Đời Hán trong xã hội mà phương thức bóc lột bằng cống nạp được coi là một phương thức bóc lột trọng yếu thì số lượng cống phẩm phụ thuộc vào tình hình cai trị, khả năng bóc lột và nhu cầu của giai cấp phong kiến. Đây là phương thức bóc lột tàn bạo và dã man nhất, đẩy tổ tiên ta vào cuộc sống đầy rẫy những hiểm nguy khi phải lên rừng xuống biển để săn voi, tê giác, bắt chim quý, tìm Trầm hương, lặn mò ngọc trai, bắt đồi mồi, khai thác san hô...
Đầu thời Đường, hàng năm An Nam đô hộ phủ phải nộp cống: 10 tấm vải tơ chuối, 2000 quả cau, 20 cân da cá, 20 mật trăn, 20 hộp lông trả. Quận Nhật Nam nộp cống: 2 ngà voi, 4 sừng tê, 20 cân Trầm hương, 4 thỏi vàng quý, vàng thiếp...
Phủ biên tạp lục còn ghi rõ những sản vật quý của các địa phương phải cống nạp như sau: Xứ Thuận Hóa, huyện Hải Lăng, xã Mai Đàn nộp Trầm hương hạng tốt 35 cân, hạng thường 35 cân cho quan lệnh sử... Lệ cũ của thời Nguyễn, các xứ nộp vàng, bạc, Trầm hương, đồi mồi đề nộp vào nội phòng, giao cho lính thuyền tam nhất canh giữ. Vua An Nam, Chúa Nguyễn đã dùng Kỳ nam, Trầm hương làm tặng phẩm biếu vua Xiêm. (1 cân xa bằng 16 lạng, bằng 604,5 gram)
Xứ Thuận Hóa, châu Bắc Bộ chính có 75 xã, thôn, phường sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong, sáp ong, sừng tê giác, ngà voi, sừng bò tót, diêm tiêu, giáng hương, Trầm hương, tốc hương, gỗ mun, gỗ lim, song mây... Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam vì Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải, lụa, vóc, đoạn, lĩnh là, hoa văn khéo đẹp chẳng khác gì Quảng Đông. Ruộng đồng, gạo lúa tốt đẹp, Trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi... đều sản xuất ở đây Bản thảo chép rằng bỏ xuống nước thì chìm nên gọi là trầm. Có thể trị thấp, khí tê, bổ dương. Từ Nghệ An trở vào Nam các tỉnh đều có thái hương. Hộ thái hương là hộ chuyên khai thác Trầm hương.
Nghệ An phong thổ ký chép: Cây dó già cỗi, dịch kết lại thành hương, cây sống mà đẽo lấy ra thì gọi là sinh trầm có thể dùng làm thuốc. Cây đã chết mà lấy ra gọi là tử trầm, chỉ dùng chế chất thơm. Lấy lúc cây đã mục nát gọi là tốc hương, là mộc hương. Cây giống cây liễu to, muốn lấy hương thì ngả cây để lâu năm, vỏ và thân đều nát, ruột và mắt không nát, đó gọi là Trầm hương. Gốc, rễ, cành đều có màu sắc khác nhau. Ruột cây rắn và đen, bỏ xuống nước mà chìm gọi là Trầm hương, ngang với mặt nước là kê cốt hương, gốc là hoàng thục hương, thân cây là sạm hương, cành nhỏ rắn chắc chưa nát là thanh quê hương, gốc và mắt cứng đã lớn là mã đề hương...
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ những địa phương có Trầm hương như: tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, xứ Quảng Nam, tỉnh Bình Định, đạo Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bình Thuận.
Trầm hương trong sử liệu nước ngoài
Trong các tác giả nước ngoài viết về Trầm hương và Kỳ nam xứ Huế có Cristophoro Borri, theo đó Trầm hương là thứ gỗ nổi tiếng lấy từ một loại cây to và rất cao: “Nếu gỗ cắt ở thân cây non thì là Trầm hương, có rất nhiều (…), nhưng khi lấy ở gốc già thì Kỳ nam rất khó kiếm. Vì hình như thiên nhiên cho những cây đó mọc lên ở những ngọn núi cao nhất và hiểm trở nhất để được thảnh thơi già cỗi đi, không ai làm hại được. Thỉnh thoảng có ít cành gãy và rời khỏi thân rơi xuống, hoặc vì khô quá, hoặc vì già cỗi quá và khi người ta nhặt được thì đã mục và mốc thếch. Nhưng đó lại là thứ có giá nhất và lừng danh nhất. Trầm hương thì ai cũng có thể bán tùy thích nhưng Kỳ nam thì Chúa (Nguyễn) giữ độc quyền mua bán”. Cristophoro Borri còn viết rằng mình đã đem 1 miếng Kỳ nam chôn dưới đất sâu chừng hơn 5 pieds (mỗi pied chừng 0,3407m) vậy mà vẫn ngửi thấy hương thơm.
Ngược dòng lịch sử, vương quốc Chăm Pa với bản sắc văn hoá, tín ngưỡng độc đáo được ghi nhận trong các sử liệu cổ đã giúp chúng ta biết khá rõ về nhiều sản vật địa phương, trong đó có Trầm hương.
Trong sử liệu cổ của Trung Quốc, khi viết về nước Lâm Ấp vào đầu thế kỷ VII, Lương thư (quyển 54), Liệt truyện (quyển 48), Chư Di - Hải Nam có đoạn nói về 1 quốc gia có tên là Tây Đô Di: “Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam đời Hán… Biên giới phía Nam đi đường thuỷ bộ hơn 200 dặm có Tây Đô Di cũng xưng Vương… Nước đó có núi vàng… Lại sản xuất đồi mồi, vỏ bối, ngà voi, cát bối, hương gỗ trầm… Gỗ trầm, thổ nhân đẵn ra, để cất hàng năm, mục nát nhưng lõi ruột vẫn còn, bỏ vào nước thì chìm, nên gọi là Trầm hương, thứ nữa là loại không chìm không nổi gọi là sạn hương…" . Tây Đô Di sau này trở thành đất Chiêm Thành, chính là vùng đất Khánh Hoà ngày nay.
Ngoài ra trong các tài liệu sử cổ còn viết: Thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khi xây dựng kinh đô Chăm Pa ở Trà Kiệu (Quảng Nam - Đà Nẵng), người xưa đã dùng Trầm hương lót đáy giếng (giếng vuông); mà cho đến tận bây giờ giới khảo cổ phát hiện được vẫn còn mùi thơm của trầm. Vào thế kỷ III sau Công nguyên, Trầm hương của Chăm Pa đã được người Trung Quốc, Đại Việt biết đến và luôn được ghi chép trong danh sách các cống vật.
Sau thế kỷ X, người Hồi giáo và người phương Tây cũng hay nhắc tới Trầm hương của Chăm Pa. Như Tome Pires viết: “Trong các mặt hàng của Chăm Pa, quan trọng nhất là Kalambak. Đây là loại Trầm hương thực sự, là loại Trầm hương tốt nhất trong các loại trầm… Loại Kalambak chất lượng tốt nhất là ở Chăm Pa…”
Các bia ký cổ của Chăm Pa ở khu vực đền Tháp Bà Po Nagar ở Nha Trang, Khánh Hoà cũng không ít lần nói đến việc các vị vua dâng cúng các đồ vật quý cho các Thần. Và trong các đồ vật quý đó, thường hay có các bình bằng vàng để đốt Trầm hương.
Như trong bài bia ký của vua Rudravaman III, khắc năm 986 saka (1054), có nói tới 1 trong những đồ vật yêu quý mà nhà vua dâng cúng cho ngôi đền là 1 chiếc bình bằng vàng để đốt trầm.
“Ngài (Vua Rudravaman III) còn dâng cúng Thần chiếc hộp đựng trầu bằng vàng hình chòm sao Purvvasadha nặng 5 kattika và 3 pana, 1 chiếc bình để đốt trầm bằng vàng nặng 1 kattika và 2 pana, 1 chiếc bình bằng bạc của Cambodge nặng 5 kattika và 10pana, 1 chiếc ô vàng nặng 7 pana”.