[Luận] TRẦM và ĐẠO
Ngày đăng: 11:45 AM 19/05/2022 - Lượt xem: 761
[Luận] TRẦM và ĐẠO, bài viết chỉ mang tính đúc kết, phát hiện và giả thuyết cá nhân và mang tính tham khảo xây dựng, không mang tính chất đả kích, kì thị tôn giáo.
Như các bài viết trước mà Dhouse đã chia sẻ những kiến thức về Trầm hương cho các bạn thì ở bài viết này mình xin phép chia sẻ thêm một số trải nghiệm mà mình vừa phát hiện, chiêm nghiệm được những nét tương đồng giữa Đạo và Trầm. Đây là trải nghiệm cũng như ý kiến chủ quan của bản thân nên có thể sẽ là cái nhìn một chiều, mong các bạn đọc tham khảo, xây dựng thêm nếu các bạn cũng có những phát hiện như Dhouse.
TRẦM
Đầu tiên, bàn về Trầm, như đã nói với các bạn ở bài viết trước thì Trầm: Khi cây Dó bị thương, một loại nhựa được tạo ra như một chất kháng thể chống vết thương, làm cho các phân tử gỗ thay đổi hình dạng, màu sắc và tỏa ra mùi thơm. Đây là quá trình trầm hương được tạo trong tự nhiên mà người ta gọi là trầm hương tự nhiên, chất dầu trong cây tụ lại để kháng cự sự phá hoại nhiễm bệnh từ bên ngoài, chất dầu đọng lại đó dần dần biến tính và thành trầm, tuỳ theo thời gian hình thành và mức độ nhiễm mà sẽ cho ra được những khối trầm to nhỏ và hình dáng khác nhau.
ĐẠO
Như các bạn đã biết ở mỗi đạo sẽ có một vị (đấng) tối cao của đạo đấy, vị ấy là người đưa ra chân lý, điều hướng thiện để đời sau họ cho là đúng và nói theo những lời vị ấy dạy để có thể thanh tịnh, để giác ngộ và để có thể lên thiên đàng sau khi mất đi. Ở đây, mình sẽ nói về 2 Tôn Giáo/Đạo mà mình có tìm hiểu và cũng là đạo của mình, đó chính là Đạo Phật và Đạo Chúa (Đạo Công Giáo).
Mình hiện là một người đang theo Đạo Phật nên mình cũng có xem và đọc những giáo lý về nhà Phật cũng như đọc về cuộc đời của Ngài. Bên cạnh đó, trong mối quan hệ xã hội mình cũng có rất nhiều bạn bè, anh chị em thân thiết họ cũng đang theo Đạo Chúa. Đối với bản thân mình, Đạo nào cũng đáng được tôn trọng, bình đẳng vì mình biết, cho dù bạn đang theo Đạo nào đi chăng nữa, thì cuối cùng Đạo hướng tới đó là sự hướng thiện, giúp đỡ, tình yêu thương.
Phật Giáo
Đầu tiên mình sẽ nói về Phật Tổ, theo các bộ kinh Phật giáo truyền lại cùng sử liệu thì Ngài vốn xuất thân là một vị Thái tử thuộc về Hoàng tộc Cồ-Đàm (Gautama) của Tiểu quốc Thích-ca (Shakya) ở vùng Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Tuy nhiên, ông đã sớm từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý ở nơi đấy để nhằm lên đường đi tìm chánh đạo. Sau khoảng 6 năm tu đạo, ông đạt được giác ngộ chính pháp ở năm 35 tuổi và dành tiếp 45 năm còn lại trong cuộc đời mình cho việc truyền bá, giảng dạy các giáo lý Phật pháp khắp những khu vực ở Đông và Nam tiểu lục địa Ấn Độ. Trong những năm tháng tu đạo của mình, ngài phải đi tìm ra chân lý, con đường tu đạo, ban đầu ngài tu khổ hạnh ép xác cùng với đồng tu là 5 anh em ngài Kiều Trần Như, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, trải qua gian khổ cùng cực, sau đó nhờ uống bát sữa được cúng dường của một cô gái sống ở khu vực ngài đi qua, Ngài mới phát hiện ra chân lý tu tập theo Trung Đạo ( tức là không nên quá buông thả bản thân, cũng không nên ép bản thân quá mức) từ đó Ngài ngồi thiền 49 ngày đêm dưới cội bồ đề và giác ngộ thành Phật.
Mình nhớ có một lần tình cờ, mình đọc sách hoặc nghe được lời dạy trong kinh và mình cũng không thể khẳng định được điều mình nghe có thực sự như vậy hay không, rằng:"Sau khi Thái tử Tất-đạt-đa trở thành Phật, tức là ngài đã giác ngộ, thì Phật Thích-ca không còn là ông Tất-đạt-đa kia nữa, Ngài là Chính ngài là Phật còn ông Tất-đạt-đa chính là ông Tất-đạt-đa." (Có thể hiểu đơn giản như thế này, sau khi đắc đạo và giác ngộ, thì Ngài đã là Kim thân, thân thể của bậc thánh, không còn là thân phàm tục nữa, nên không còn là ông Thái tử Tất-đạt-đa kia nữa)
Thiên Chúa Giáo
Như các bạn đã biết, chúa Jesus là một người Do Thái, theo cha là nghề thợ mộc thuộc tầng lớp lao động cùng khổ, bên cạnh đó ngài còn Truyền giáo về tình yêu thương, hướng thiện cùng các môn đồ của mình ở vùng Galilea, tại xứ Judea. Khi Chúa bị quân đội La Mã đóng đinh trên thập giá và phục sinh vào 3 ngày sau đó, người đời từ đó xưng tụng Ngài là Chúa Jesus.
Bên cạnh đó, có một nhánh nhỏ của Thiên Chúa Giáo đó là Đạo Tin Lành, thì ở đạo này không thờ Mẹ Maria như Đạo Công Giáo bởi vì "Đạo Tin Lành chỉ xem Mẹ Maria đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giê-su và chỉ coi bà là mẹ trần thế của Chúa Kitô, nên chỉ tôn trọng chứ không tôn kính Mẹ Maria như Công giáo". Ban đầu, mình cũng rất thắc mắc tại sao lại như thế, vì Chúa chính là Chúa Jesus cũng chính là Ngài Jesus, mà mẹ của Jesus cũng là mẹ của Chúa. Cho đến sau đó, mình mới ngờ ngợ, hiểu rằng rất có thể theo Đạo Tin Lành "Chúa Jesus sau khi phục sinh không phải là một với ông Jesus trần tục trước lúc mất khi bị đóng đinh trên thập giá, mà Chúa Jesus ở đây đã là thân thể của Thánh."
Sự tương đồng sau khi thức tỉnh - giác ngộ - hóa Trầm
Sau khi trải qua khó khăn, thương đau và giác ngộ, thức tỉnh thì Phật và Chúa Jesus đã trở thành một con người mới hoàn toàn, đấng toàn năng, người thông tuệ, biết được mọi thứ, không còn là một với con người phàm tục trước đây nữa. Trầm cũng thế, sau khi cây Dó Bầu trải qua đau thương cùng cực, chịu nhiều vết, bản thân cây tự tiết ra chất nhựa, lâu ngày tích lại thành Trầm, thời gian tích Trầm càng lâu, dài thì độ sánh dầu, vân gỗ và mùi hương càng đặc trưng, càng thơm.
Từ những nét tương đồng này có thể thấy, ở một phương diện nào đó, dưới góc nhìn Tâm linh cây gió trải thương đau như là một sự tu tập, tu hành cho đến khi giác ngộ, chín muồi thì Trầm ra đời, Trầm chính là trạng thái hoàn toàn khác của Dó Bầu, mà Trầm chỉ là Trầm lại chẳng phải là Dó Bầu, từ đó Trầm cũng mang nhiều ý nghĩa Tâm linh vô cùng đặc biệt.
Ngay từ thời xa xưa, trầm hương đã xuất hiện trong các hoạt động cúng bái, nghi lễ tôn giáo, tế đất trời hay mời thần linh,… Điều đó minh chứng được rằng, ý nghĩa của trầm hương trong phong thủy là rất lớn. Trầm hương được mệnh danh là mùi hương của cõi Niết Bàn và hiện diện rất nhiều trong các nghi lễ nhà Phật.
Dân gian có câu “ma từ trong tâm mà ra”. Chính vì thế, việc giữ cho mình một tâm hồn trong sạch, thanh tịnh thì tà ma khó lòng nào có thể quấy nhiễu. Mùi hương mà trầm phát ra nhẹ nhàng sẽ giúp nâng cao tinh thần, thư thái và xua đuổi ma quỷ trong tâm.
Trầm hương hiện diện rất nhiều trong các nghi lễ tôn giáo
Không chỉ đối với Phật Giáo, mà trong Thiên Chúa giáo thì trầm hương cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Mùi hương của trầm được xem như là “hương thơm của Chúa trời”, giúp dẫn dắt các con dân đi tìm được ánh sáng và tránh khỏi những điều tai ương.
Những chia sẻ trên là sự chiêm nghiệm của chính bản thân mình đối với Trầm, mình không dám chắc đây có phải là cái may mắn, cái duyên của mình đối với Trầm hay không, nhưng mình muốn chia sẻ thêm cảm nhận của mình về sự linh thiên về giá trị Tâm linh của Trầm hương đến các bạn đọc. Nếu các bạn đọc có những điều hay, kiến thức về Trầm muốn chia sẻ thêm, có thể bình luận xuống dưới nha.